Ông Hiệp cho rằng, hiện một số dự án trưởng ban quản trị cũng chính là người của chủ đầu tư, điều này rất gây phản cảm. Để tránh rủi ro, nên có hai người cùng đứng tên tài khoản quỹ bảo trì. Bởi, một người đứng tên tài khoản sẽ rất dễ xảy ra tình trạng tự ký tự chi không rõ ràng.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu đưa ra đề xuất phải làm chặt ngay từ bước bầu ban quản trị, bởi, xét về nguyên tắc, sau khi được bầu, ban quản trị sẽ nhận và quản lý quỹ bảo trì từ phía chủ đầu tư.
Cư dân một chung cư tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội căng băng rôn
đòi chủ đầu tư trả phí bảo trì. (Ảnh minh họa, nguồn: cafef)
Chủ tịch Hiệp hội nói: “Hiện nay quy định chủ tài khoản của ban quản trị chung cư có thể là một hoặc nhiều thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản, có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân”.
Vì vậy, ông đề nghị, cần đưa ra quy định về việc phải có từ hai người trở lên làm chủ tài khoản để ngăn chặn tình trạng lạm quyền, trục lợi. Đồng thời, các đơn vị quản lý, vận hành chung cư cũng cần chứng minh được khả năng tài chính của mình để có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường khi có các sự cố như cháy lớn, tai nạn xảy ra…
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ, việc huy động cư dân nộp tiền khá khó khăn, vì vậy, không nên bỏ quy định về phí bảo trì. Khi phát sinh các vấn đề cần sửa chữa, có người nộp, có người không, khiến việc sửa chữa gặp phải khó khăn. Một khi có sẵn quỹ bảo trì, việc sửa chữa nhỏ sẽ diễn ra thuận lợi hơn, còn những vấn đề khác, cần phải có chế tài rõ ràng hơn từ phía cơ quan quản lý.
Việc sử dụng quỹ bảo trì trên thực tế còn gặp phải không ít bất cập, chủ yếu xuất phát từ yếu kém của cơ quan quản. Do đó, ông Võ cho rằng, đề xuất chủ đầu tư nên thuê một công ty độc lập để quản lý phí bảo trì thay vì ban quản trị là một sáng kiến hay. Bởi, có nhiều trường hợp ban quản trị không vì lợi ích chung, không phải do dân bầu mà là tự chủ đầu tư lập ra.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với vai trò chủ trì, Bộ Xây dựng sẽ kết hợp cùng Bộ Công an, Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành thực hiện công tác rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành. Ngoài ra, cũng sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vấn đề xử lý tình trạng chây ỳ trả phí bảo trì nhà chung cư, tránh để xảy ra các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.